Ngoài những chia sẻ về nghề trong mục “Góc nhìn TKL”, Tee, Kay và Leo cũng rất muốn giới thiệu đến mọi người những sản phẩm sáng tạo nghệ thuật mà TKL yêu mến. Nghệ thuật – theo TKL – là mặt hàng “thiết yếu” cho tâm hồn của con người, ngay cả trong thời buổi này. Không có âm nhạc, điện ảnh, văn học, hội hoạ… thì chúng ta chẳng khác nào những cỗ máy cả. Đó là lý do “Bao Hay” Collection ra đời. Cũng giống như sầu riêng “bao ăn” hay cơm tấm “bao ghiền” nổi tiếng của Sài Gòn thân yêu, TKL hy vọng đây sẽ là những món ăn tinh thần làm phong phú thêm tâm hồn của tất cả chúng ta.

—————————————————

Mấy ngày nay Sài Gòn rục rịch “mở cửa” trở lại, hàng quán bắt đầu rón rén cho bán mang về. Áp lực “Hôm nay ăn gì, đặt app nào bây giờ?” của người Sài Gòn đã trở nên nhẹ gánh bớt phần nào. Đỡ lo cái bụng rồi thì chăm sóc cho cái đầu thôi nhỉ? Bụng no mà não đói thì không sáng tạo được đâu! TKL muốn giới thiệu 3 album nhạc jazz yêu thích của mình đến với mọi người, đồng thời “khoe” luôn 3 thiết kế bìa đĩa than mà TKL làm cho những album này như một dự án cá nhân. Ba album này tuy không quá dễ nghe như kiểu nhạc jazz bạn thường gặp trong các quán cà phê, nhưng chúng cũng không quá “kén” tai đối với người mới. Nếu bạn muốn “dấn tai” vào nhạc jazz thì TKL tin đây sẽ là những “món khai vị” phù hợp.

Tại sao lại là jazz?

Ai đó đã nói rằng nhạc Jazz là món quà tuyệt vời nhất mà nước Mỹ tặng cho nhân loại, và TKL hoàn toàn đồng ý! Jazz là thể loại mà TKL rất thích vì nó rất sáng tạo và tự do. Nó không chỉ là những bài hát êm dịu dễ nghe mà ta vẫn nghe thấy trong những quán cà phê mang phong cách hoài cổ, mà còn có những nhánh “con” đầy năng lượng, biến tấu và phá cách. Nghe jazz đòi hỏi bạn phải nghiêm túc và tập trung để “theo” được từng nhấn nhá dạo chơi của người nghệ sĩ. Đây là điều tương đối xa xỉ trong thời đại âm nhạc dần trở thành một thứ “âm thanh nền” cho cuộc sống bận rộn ngày nay. Mỗi ngày dành ra được 1 tiếng đồng hồ để nghiêm túc ngồi nghe nhạc là điều mà không phải ai cũng làm được, và TKL rất trân trọng và biết ơn vì điều đó.

Một lý do khác – hơi cá nhân hơn – là trong thời hoàng kim của mình, quãng thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước, các album jazz có chất lượng thu âm cực kỳ tốt (đặc biệt là các hãng như Blue Note hay Venus). Nếu bạn có một chiếc tai nghe “xịn” hoặc một dàn loa hifi thì những album jazz cổ chắc chắn sẽ mang lại cho bạn những giờ phút đê mê đắm chìm trong âm nhạc và cả âm thanh chất lượng cao.

Tại sao lại là đĩa than (vinyl records)?

Vì cho đến lúc này, TKL vẫn thấy nghe jazz qua đĩa than vẫn mang lại trải nghiệm đặc biệt nhất. Thứ nhất là âm thanh của đĩa than rất hợp với jazz: dày, ấm và có sự “khò khè” rất đặc trưng. Thứ hai là khi nghe đĩa than, bạn sẽ phải ngồi nghe hết album từ đầu đến cuối, vì việc “nhảy bài” khá bất tiện trên định dạng này. Sự bất tiện này dẫn đến việc bạn sẽ “tiêu thụ” được album nhạc một cách trọn vẹn nhất, theo đúng ý đồ của nghệ sĩ. Thứ ba, đây là một cách nghe nhạc mà bạn có thể tiếp xúc vật lý với âm nhạc: cầm lấy đĩa, ngắm bìa đĩa (rất to và đẹp), xem lời bài hát hay thông tin về tác phẩm, hạ kim xuống mặt đĩa, ngắm đĩa quay v.v… Những trải nghiệm gồm đủ cả 5 giác quan này là lý do khiến rất nhiều người vẫn “nghiện” đĩa than dù ngày càng có nhiều cách thuận tiện và kinh tế hơn để nghe nhạc.

Và đây là 3 album nhạc jazz đầu tiên trong “Bao Hay” Collection mà TKL muốn giới thiệu đến mọi người:

Album 1: My favorite Things – John Coltrane

Nếu ai đã xem bộ phim kinh điển The Sound of Music chắc chắn sẽ không thể quên được phần nhạc phim tuyệt vời của nó. My Favorite Things là một bài hát trong phim này. John Coltrane – nghệ sĩ saxophone jazz huyền thoại – đã ứng tấu lại bài hát này theo một phong cách rất hứng khởi, tung tẩy và nhiều màu sắc. Coltrane là một nghệ sĩ saxophone có điệu kèn rất “dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ”. Ông chơi ballad cũng ngọt mà avant-garde cũng tài năng không kém. Album này còn có track “Summertime”- vốn được trích từ vở opera đình đám Porgy and Bess của Gershwin – cũng rất da diết và ám ảnh. Đây là một album rất hợp để bạn tận hưởng một buổi tối cuối tuần bên ánh nến và ly rượu ngon.

Nghe thử ở đây: https://youtu.be/UlFNy9iWrpE

Album 2: Waltz for Debby – Bill Evans Trio

Nghệ sĩ dương cầm Bill Evans được xem là cây đại thụ của nhạc jazz với ngón đàn cực kỳ cảm xúc và màu sắc âm nhạc đẹp như một bức tranh. Bill Evans có dáng chơi đàn còm cõi và khắc khổ, nhưng âm thanh mà ông tạo ra từ những phím đàn thì thật vi diệu. Nhạc của ông đẹp nhưng rất “buồn thảm”, có lẽ vì cuộc đời của ông có quá nhiều bi kịch. Waltz for Debby là một album live được thực hiện bởi tam tấu gồm Bill Evans, tay trống Paul Motion và tay bass Scott LaFaro (người qua đời chỉ ít ngày sau khi buổi biểu diễn này được thu âm). Nếu bạn thích một album jazz thật nhẹ nhàng nhưng không hề nhàm chán – để khởi động tinh thần vào buổi sáng sớm, hoặc thư giãn trước khi đi ngủ chẳng hạn – thì đây là một lựa chọn lý tưởng.

Nghe thử ở đây: https://youtu.be/4vExgBIQwE

Album 3: Monk’s Blues – Thelonious Monk

Ai đã xem bộ phim hoạt hình Soul chắc còn nhớ cảnh nhân vật chính khi bước vào một quán bar nhạc jazz đã ngả mũ kính cẩn trước ảnh chân dung một người đàn ông da đen có chòm râu nhọn và đội chiếc mũ kết. Đó chính là thiên tài Thelonious Monk – một nghệ sĩ jazz pianist tiên phong. Nếu ngón đàn của Bill Evans như những lời thì thầm thân mật, thì âm thanh mà Monk tạo ra lại như một tấm rèm âm nhạc huy hoàng nhiều màu sắc. Tấm rèm ấy lay động theo giai điệu của người nghệ sĩ và cảm xúc của người nghe một cách vô cùng linh hoạt, dù có thể cả bản nhạc mà Monk chơi chỉ xoay quanh một motif âm nhạc duy nhất. Album Monk’s Blues có track Reflections mà bọn mình rất thích, và rất hợp khi bạn đang “bí” ý tưởng và cần có một nguồn cảm hứng âm thanh nào đó để khuấy động các tế bào não của mình.

Nghe thử ở đây: https://music.apple.com/vn/album/monks-blues/192797451

—————————————————

Lời kết

—————————————————

Jazz vốn là một thứ ngôn ngữ âm nhạc tự do và không ngừng biến đổi. Ngày nay, jazz tuy không “đình đám” như Pop hay Hip Hop nhưng nó vẫn như một dòng dung nham nóng bỏng cuồn cuộn chảy giữa đại dương âm nhạc. Việc khám phá được những album jazz hay luôn là một niềm hạnh phúc lớn của bọn mình, và hy vọng TKL sẽ tiếp tục chia sẻ thêm được nhiều tuyệt tác trong “Bao Hay” Collection đến mọi người.

TKL

Author TKL

More posts by TKL